Có không ít thí sinh còn nhầm lẫn giữa điểm sàn và điểm chuẩn trong xét tuyển đại học, cao đẳng. Bài viết sau đây sẽ giúp các thí sinh giải đáp băn khoăn liên quan đến điểm sàn, điểm chuẩn.
Điểm sàn là gì?
Điểm sàn (hay ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào) là mức điểm tối thiểu thí sinh cần đạt được để đủ điều kiện đăng ký xét tuyển vào một trường đại học (tùy theo trường mà thí sinh được cộng điểm ưu tiên hay không vào tính điểm sàn).
Trước đây, điểm sàn của toàn bộ các trường đại học, cao đẳng đều do Bộ GDĐT quy định. Tuy nhiên từ năm 2018, Bộ GDĐT đã để các trường tự chủ về điểm sàn của hầu hết các ngành, chỉ trừ các ngành lĩnh vực sức khỏe và đào tạo giáo viên.
Các trường có thể tự xác định điểm sàn, và đưa ra định mức điểm sàn dựa vào chỉ tiêu xét tuyển cũng như điểm thi của thí sinh. Điểm sàn giữa các ngành học của cùng một trường thường khác nhau và thấp hơn so với điểm chuẩn.
Nhiều thí sinh nhầm lẫn giữa điểm sàn và điểm chuẩn.
Điểm chuẩn là gì?
Điểm chuẩn hay thường được gọi là điểm trúng tuyển là mức điểm thí sinh cần đạt được để đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành học của trường đăng ký xét tuyển.
Tuy nhiên, ở một số trường đại học có số lượng thí sinh đăng ký lớn vượt quá chỉ tiêu sẽ áp dụng các tiêu chí phụ để xét các thí sinh có điểm thi bằng đúng với điểm chuẩn và ở cuối danh sách xét tuyển.
Thông thường, các trường sẽ công bố điểm chuẩn sau khi kết thúc đợt điều chỉnh nguyện vọng.
Điểm sàn và điểm chuẩn khác nhau thế nào?
Dựa trên các thông tin về điểm sàn là gì? Điểm chuẩn là gì đã nêu ở trên có thể thấy sự khác nhau giữa điểm sàn và điểm chuẩn như sau:
- Về thời điểm công bố:
+ Điểm sàn: công bố trước hoặc trong thời gian đăng ký nguyện vọng của thí sinh;
+ Điểm chuẩn: được các trường công bố sau khi đã kết thúc thời gian xét tuyển nguyện vọng.
- Tính chất:
+ Điểm sàn là điều kiện “cần” để các thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các trường. Thí sinh có điểm xét tuyển cao hơn điểm sàn sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn.
+ Điểm chuẩn là điều kiện “đủ” để trúng tuyển vào ngành học, trường học mà thí sinh đã đăng ký.
- Trong nhiều trường hợp, điểm chuẩn thường cao hơn điểm sàn.
Như vậy, điềm sàn và điểm chuẩn là khác nhau. Thí sinh có thể căn cứ vào điểm sàn và điểm chuẩn của những năm trước để nghiên cứu, lựa chọn ngành học, trường học hay thay đổi nguyện vọng phù hợp. Điểm xét tuyển của thí sinh càng cao hơn điểm sàn thì cơ hội trúng tuyển càng cao. Điểm sàn chỉ là điều kiện kỹ thuật, thí sinh phải sử dụng điểm chuẩn của các năm trước đó để tham chiếu, từ đó có những lựa chọn sát sườn nhất.
Cách tính điểm xét tuyển đại học
Thông thường, với các ngành không có môn chính hay không có môn nhân hệ số trong tổ hợp xét tuyển, có thể tính điểm xét tuyển theo công thức sau:
Điểm xét đại học = Điểm M1 + Điểm M2 + Điểm M3 + Điểm ưu tiên (nếu có)
Trong đó: Điểm M1, M2, M3 là lần lượt là điểm các môn thành phần trong tổ hợp xét tuyển thí sinh đăng ký.
Về điểm ưu tiên căn cứ theo Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ GDĐT ban hành.