Chiều 12/1, tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM, ĐHQG-HCM đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang về việc triển khai thực hiện biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai đơn vị đến năm 2025. PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM và ông Đồng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đồng chủ trì buổi làm việc.
PGS.TS Vũ Hải Quân phát biểu mở đầu buổi làm việc.
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết trách nhiệm của ĐHQG-HCM đối với các vùng lân cận như Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn. Việc hợp tác với tỉnh Hậu Giang là một trong những cam kết của ĐHQG-HCM về phục vụ phát triển địa phương.
Đánh giá về hợp tác bồi dưỡng nguồn nhân lực, ông Quân cho rằng đây là thế mạnh của ĐHQG-HCM. ĐHQG-HCM sẽ xây dựng chương trình đào tạo, cử giảng viên xuống tỉnh mở lớp tập huấn. Cách làm này có chi phí thấp và hiệu quả cao. Cách thứ hai là ĐHQG-HCM cùng các đối tác của mình như ĐHQG Singapore, ĐHQG Seoul cùng xây dựng chương trình quản lý cho đội ngũ nhân lực cấp cao của tỉnh. Trong quá trình đào tạo, hai bên có thể tổ chức thực tập tại Singapore và Hàn Quốc để học hỏi các mô hình quản lý của những quốc gia này.
Về hợp tác KH&CN, ĐHQG-HCM đang đồng chủ trì Chương trình KH&CN cấp quốc gia “KH&CN ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn đến năm 2030”. Giám đốc ĐHQG-HCM mong muốn trong năm 2024, ĐHQG-HCM sẽ cùng tỉnh xây dựng một số nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia trong khuôn khổ Chương trình KH&CN trên. Các nhiệm vụ này gắn với nhu cầu của tỉnh Hậu Giang.
PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết thêm, số lượng học sinh của tỉnh Hậu Giang theo học tại ĐHQG-HCM khoảng 300-400 em, tập trung nhiều nhất tại các trường ĐH KHXH&NV, ĐH KHTN và ĐH Bách Khoa. Các em là những học sinh rất xuất sắc của tỉnh.
“Tôi rất trăn trở trong số 300-400 em này, sau khi tốt nghiệp sẽ có bao nhiêu em quay về làm việc cho tỉnh nhà. Do đó, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận rất quan trọng. Cá nhân tôi là thầy giáo tôi rất mong muốn các em có thể quay về địa phương để cống hiến” - Giám đốc ĐHQG-HCM bày tỏ. Ông Quân đề nghị tỉnh Hậu Giang nên đặt mục tiêu một năm tuyển 3-5 em để tạo động lực cho các em trở về phục vụ địa phương.
Ông Đồng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - đánh giá cao những nội dung hợp tác với ĐHQG-HCM.
UBND tỉnh nỗ lực trong năm 2024-2025 đưa tỉnh Hậu Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Để đạt mục tiêu này, tỉnh phải bắt đầu từ việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng đã phê duyệt cho tỉnh xây dựng 2 khu công nghiệp (KCN) trên 614ha. Các nhà đầu tư đều cho biết họ rất quan tâm chất lượng nguồn nhân lực của các KCN này. Tỉnh đã xây dựng nghị quyết phát triển nguồn nhân lực và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực. Một trong những nội dung hợp tác với ĐHQG-HCM về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là nhằm cụ thể những chủ trương phát triển này.
“Chúng tôi xác định muốn phát triển nhanh hơn phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng ta phải làm và làm cho có kết quả thực sự” - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh.
Cung cấp học bổng sau đại học, nâng cao nhận thức chuyển đổi số
Ông Đồng Văn Thanh trao đổi về định hướng phát triển của tỉnh Hậu Giang.
Theo Ông Nguyễn Huỳnh Phước - Phó Giám đốc Sở KH&CN, hoạt động hợp tác giữa UBND tỉnh Hậu Giang và ĐHQG-HCM được thực hiện trên 5 lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội.
Theo đó, trong năm 2024, UBND tỉnh Hậu Giang đề xuất ĐHQG-HCM hỗ trợ một số hoạt động nổi bật như mở các lớp bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh về văn hóa công sở, lễ tân, ngoại giao, tiếng Anh giao tiếp, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; cung cấp các suất học bổng đào tạo sau đại học về chuyên ngành luật, công nghệ thông tin, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, quản lý công nghiệp và quản lý đô thị.
ĐHQG-HCM hợp tác Sở KH&CN, Sở NN&PTNT nghiên cứu ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả và giảm thiểu phát thải khí nhà kính; xây dựng hệ thống xác thực vị trí và mã vùng trồng nông sản trên địa bàn tỉnh,...
Trường ĐH KHXH&NV cùng Sở VH, TT&DL phối hợp tổ chức, giảng dạy lớp tập huấn nâng cao nhận thức và tầm quan trọng các giá trị văn hóa truyền thống của người Khmer gắn với phát triển du lịch cho các cấp chính quyền và người dân tại địa phương,…
Đến năm 2025, ngoài việc tiếp tục triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ các suất học bổng đào tạo sau đại học, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên và hướng dẫn học sinh lớp 12 tham gia kỳ thi Đánh giá năng lực.... ĐHQG-HCM sẽ giới thiệu, đề xuất đối tác hợp tác quốc tế cho Trường CĐ Cộng đồng Hậu Giang trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Sở KH&CN, Sở NN&PTNT và Sở VH, TT&DL sẽ phối hợp ĐHQG-HCM xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chủ lực của tỉnh, xúc tiến hoạt động bảo hộ ra nước ngoài; nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến các loại rau, củ, quả đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh và tổ chức, giảng dạy lớp kỹ năng phục vụ lưu trú, kỹ năng giữ gìn và phát triển nghệ thuật chế biến món ăn truyền thống của người dân tộc thiểu số…
Ông Đồng Văn Thanh trao đổi về định hướng phát triển của tỉnh Hậu Giang.
Theo Phiên An - ĐHQG-HCM
Mọi thông tin chi tiết xem tại:
Hạ Băng - Cộng tác viên Truyền thông trường bet365 betting