Ngày 10/4, ĐHQG-HCM tổ chức buổi làm việc với diễn giả TS George Chiu - Giáo sư Kỹ thuật Cơ khí và Trợ lý Trưởng khoa Chương trình Kỹ thuật Toàn cầu và Quan hệ đối tác tại ĐH Purdue, Hoa Kỳ, và đại diện Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM. PGS.TS Nguyễn Minh Tâm - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, chủ trì buổi làm việc.
Lãnh đạo các ban chức năng thuộc ĐHQG-HCM, đại diện Ban Giám hiệu và lãnh đạo các Phòng Đào tạo, Quản lý Khoa học của các trường thành viên ĐHQG-HCM gồm Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quốc Tế, đã tham dự buổi làm việc.
TS George Chiu - đại diện Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM và các đại biểu của ĐHQG-HCM tham dự buổi làm việc. Ảnh: Thiện Thông
PGS.TS Nguyễn Minh Tâm cho biết số lượng sinh viên chọn học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (gọi tắt là các ngành STEM) tại các trường đại học ở Việt Nam hiện có xu hướng sụt giảm qua các năm. ĐHQG-HCM mong muốn TS Chiu chia sẻ kinh nghiệm của Hoa Kỳ nói chung và của ĐH Purdue nói riêng trong việc thu hút sinh viên theo học các lĩnh vực STEM, cũng như nâng cao chất lượng đào tạo các chương trình STEM.
TS George Chiu nhận định rằng một trong các giải pháp nâng cao số lượng sinh viên theo học các lĩnh vực STEM là khuyến khích các nữ sinh đam mê học tập các môn STEM ngay từ bậc tiểu học và trung học cơ sở, để các em mong muốn và tự tin chọn học các ngành STEM ở bậc đại học. Ngoài ra, ĐH Purdue đã khá thành công trong việc thu hút sinh viên nữ tham gia theo học các chương trình STEM thông qua một số giải pháp.
Chẳng hạn, tạo dựng hình mẫu thành công trong lĩnh vực STEM là nữ giới bằng cách chia sẻ rộng rãi câu chuyện thành công của các kỹ sư, nhà khoa học nữ thành đạt; tổ chức các trại hè STEM dành riêng cho nữ sinh; phát triển chương trình học bổng dành cho sinh viên nữ học các ngành STEM. Sau hơn 20 năm nỗ lực áp dụng nhiều giải pháp khác nhau, tỷ lệ sinh viên nữ theo học các ngành STEM tại ĐH Purdue đã lên đến 45%.
Ngoài ra, TS Chiu đề xuất trường đại học cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo khối ngành STEM thông qua các hoạt động gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, nhằm thường xuyên cập nhật nhu cầu của doanh nghiệp. Từ đó, cải tiến chương trình đào tạo, tạo nhiều cơ hội thực tập cho sinh viên tại các doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu với các doanh nghiệp và tạo cơ hội cho sinh viên tham gia vào các nghiên cứu này cùng giảng viên, học viên sau đại học, nghiên cứu sinh của trường từ các năm đầu đại học.
Thêm vào đó, TS Chiu gợi ý ĐHQG-HCM có thể phối hợp các doanh nghiệp công nghệ có tên tuổi để xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn, cấp chứng chỉ theo mô hình micro-credential (tạm dịch: chứng chỉ vi mô) trong các lĩnh vực STEM để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người học không mong muốn theo học trọn vẹn các chương trình đào tạo có cấp bằng. TS Chiu dẫn chứng chương trình micro-credential lĩnh vực an ninh mạng do ĐH Perdue hợp tác thực hiện với Intel đã rất thành công, thu hút được nhiều người theo học.
Chiều cùng ngày, TS George Chiu đã tham quan các đơn vị của ĐHQG-HCM, gồm Viện Công nghệ Nano, Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử, Phòng thí nghiệm Vi mạch và Hệ thống cao tần (Trường ĐH Bách Khoa), Khoa Kỹ thuật Y sinh, Phòng thí nghiệm Siêu cao tần của Khoa Điện - Điện tử (Trường ĐH Quốc Tế). Ông đã trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động nghiên cứu khoa học với các nhà nghiên cứu của ĐHQG-HCM.
Ông cũng đã có buổi nói chuyện với giảng viên, sinh viên các ngành STEM tại Trường ĐH Quốc Tế, qua đó chia sẻ những thông tin bổ ích về yêu cầu của các doanh nghiệp về năng lực, kỹ năng, thái độ đối với các sinh viên tốt nghiệp các ngành STEM hiện nay trên thế giới. Ông khuyến khích sinh viên nỗ lực trau dồi kiến thức, kỹ năng cần thiết để theo đuổi sự nghiệp trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ sau khi tốt nghiệp.
Cán bộ giảng viên và sinh viên, học viên Trường ĐH Quốc Tế ĐHQG-HCM theo dõi bài thuyết trình của TS George Chiu về cơ hội và thách thức dành cho lực lượng lao động STEM. Ảnh: Thiện Thông
Tăng cường giáo dục STEM tại Việt Nam Nhằm thực hiện Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện do Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký vào tháng 9/2023, Ngoại Giao đoàn Hoa Kỳ tại Việt Nam thực hiện chương trình Diễn giả Hoa Kỳ về “Tăng cường giáo dục STEM và phát triển lực lượng lao động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ” tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 3-12/4/2024. Trong khuôn khổ chương trình này, ĐHQG-HCM phối hợp Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM tổ chức buổi làm việc với diễn giả TS George Chiu - Giáo sư Kỹ thuật cơ khí kiêm Trợ lý Trưởng khoa Chương trình Kỹ thuật toàn cầu và Quan hệ đối tác, ĐH Purdue vào ngày 10/4. TS George Chiu là Giáo sư Kỹ thuật Cơ khí và Trợ lý Trưởng khoa Chương trình Kỹ thuật Toàn cầu và Quan hệ đối tác tại Đại học Purdue. Ông từng là Giám đốc Chương trình tại Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ quản lý Chương trình Hệ thống Điều khiển và Sáng kiến Robot Quốc gia (NRI) cho Tổng cục Kỹ thuật. Trước khi gia nhập ĐH Purdue, TS Chiu làm việc cho HP và là thành viên nhóm phát triển dòng sản phẩm HP Copyjet vào cuối những năm 1990. Là chuyên gia về hệ thống cơ điện tử, hệ thống điều khiển và xử lý hình ảnh, TS Chiu được bổ nhiệm làm thành viên của Hiệp hội Kỹ sư Cơ khí Hoa Kỳ (ASME) và Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Hình ảnh (IS&T). TS Chiu đã giúp thiết lập quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các tổ chức học thuật và doanh nghiệp thương mại như Hewlett-Packard, Xerox và Samsung. |
Mọi thông tin chi tiết xem tại:
Hạ Băng - Cộng tác viên Truyền thông trường bet365 betting