Qua 28 năm xây dựng và phát triển, ĐHQG-HCM ngày càng có vai trò và ảnh hưởng đến những quyết sách của Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và các vùng phụ cận, thể hiện bằng những thành tựu trong giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Nghị quyết 29-NQ/TW đã xác định quan điểm phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Để thực hiện sứ mạng này, ĐHQG-HCM đã tiên phong xây dựng và hoàn chỉnh các mô hình học tập mang tính đột phá theo xu hướng tập trung vào đào tạo nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Tính đến tháng 10/2023, ĐHQG-HCM có 2.117 tiến sĩ với 64 giáo sư, 467 phó giáo sư; 95.000 sinh viên đại học và 5.848 học viên cao học, 988 nghiên cứu sinh.
ĐHQG-HCM là đại học trọng điểm quốc gia, tiên phong trong việc phát triển mô hình đại học định hướng nghiên cứu, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh. Đến nay, ĐHQG-HCM cơ bản hoàn chỉnh cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực với 7 trường đại học thành viên, 2 khoa trực thuộc và 1 phân hiệu đại học. ĐHQG-HCM có 404 chương trình đào tạo; trong đó có 180 chương trình đào tạo đại học, 136 chương trình đào tạo thạc sĩ và 88 chương trình đào tạo tiến sĩ. Cơ cấu ngành nghề của ĐHQG-HCM cũng thay đổi mạnh mẽ, với 6 nhóm ngành đào tạo thế mạnh (máy tính; công nghệ thông tin; kinh doanh; kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông; ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài; kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật) thuộc 4 lĩnh vực mũi nhọn (máy tính và công nghệ thông tin; kinh doanh và quản lý; kỹ thuật; nhân văn) thu hút nhiều sinh viên đăng ký theo học, chiếm 48% trên tổng số quy mô sinh viên đại học chính quy.
Các chương trình đào tạo của ĐHQG-HCM khá đa dạng, gồm: Chương trình cử nhân tài năng, Chương trình tiên tiến, Chương trình chuẩn quốc tế, Chương trình chất lượng cao và các Chương trình chuẩn. Các chương trình đào tạo đều có yêu cầu chuẩn đầu ra cao hơn hệ đại trà của hầu hết các trường đại học về chuyên môn lẫn ngoại ngữ. Ví dụ ở chương trình chuẩn, yêu cầu tiếng Anh của sinh viên tốt nghiệp phải đạt trình độ B1, thì các chương trình chất lượng cao phải đạt tối thiểu trình độ B2; còn chương trình tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế phải đạt mức C1.
Không gian học tập chủ động, sáng tạo
Đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao cùng với chương trình đào tạo vượt trội, hướng tới các chuẩn mực quốc tế đã góp phần khẳng định vị thế của ĐHQG-HCM trên bảng xếp hạng các trường đại học xuất sắc của thế giới. Bên cạnh đó, việc siết chặt “đầu ra”, chú trọng chất lượng đào tạo đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề của sinh viên tốt nghiệp trên thị trường lao động cạnh tranh hiện nay.
Một trong những điều quan trọng nhất mà ĐHQG-HCM mang đến cho người học đó là môi trường sinh hoạt mở với không gian học tập chủ động, sáng tạo. Bằng nhiều định chế và giải pháp đồng bộ, ĐHQG-HCM luôn khuyến khích tinh thần tự học và tích cực học hỏi của sinh viên để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, sẵn sàng trở thành công dân toàn cầu.
Trong thời gian tới, ĐHQG-HCM tiếp tục hoàn thiện mô hình tự chủ đại học, tập trung nâng cao và mở rộng quy mô đào tạo các chương trình chất lượng cao; đồng thời ưu tiên nguồn lực cho đào tạo bậc tiến sĩ. ĐHQG-HCM cũng sẽ tiếp tục triển khai các chính sách thu hút nhân tài, quy hoạch và đào tạo đội ngũ kế cận, đổi mới hoạt động giảng dạy theo hướng cá thể hóa, phát huy sở trường và năng lực của người học. Từ đó, tiếp tục phát huy thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực, liên thông liên kết và thống nhất trong toàn ĐHQG-HCM, thực hiện thành công Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2021-2030.
Theo ThS Bùi Võ Anh Hào (Ban Đào tạo ĐHQG-HCM)
Mọi thông tin chi tiết xem tại:
Hạ Băng - Cộng tác viên Truyền thông trường bet365 betting